Đôi khi, chỉ một miếng ngon chân phương chan hòa với nụ cười ấm áp của tri âm hay người thân đã khiến lòng ta phới phới lạ!
Cá linh "nhí" đầu mùa chạy về hàng quán Sài Gòn |
“Bậy nào! Đám cá linh “đầu xanh” thân hình mới bằng đầu đũa. Tội tình gì mà hối cãi?!
- Ậy! Biết đâu nó gánh tội từ trong… trứng. Mà anh có nghe gì không?
- Trời! Trời! Thơm động trời!”, nhóm “mê món lạ” chúng tôi vừa thiết đãi một đàn anh sành ăn xứ công tử Bạc Liêu món ngộ từ con cá linh non.
Chịu hổng nổi!
Cấp độ thơm càng tưng bừng, dồn dập rồi khuynh đảo cả gian phòng gỗ thông sang trọng, rộng khoảng 40 - 50m². Từng làn hương thanh khiết của tương, nguyện làm sứ giả cho món ngon lành, vụt chạy đi khuyến dụ về dĩa cá linh “lọt kẻ răng” đầu mùa. Cạnh đó, dĩa đọt rau năn trắng nõn nà như đang mỉm cười e lệ với bao thực khách phố thị.
Loài cỏ ưa mọc chen chúc nơi những chân ruộng sâu, trảng nước phèn chua trong xanh đến độ thấy cá, cua… đang lúc lắc bơi trong nước ở Đồng Tháp Mười hay miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu - từ vài ba năm nay, đã ngồi “tréo ngoảy” ở hàng quán Sài Gòn. Nó chinh phục miệng lưỡi người ăn, nhờ độ ngọt thanh tân cùng tư vị ngai ngái mùi phèn.
Cá linh thời điểm này, thân còn nhỏ nên rất nhát… lửa. Chỉ cần, sôi vài ba dạo đã đủ chín.
Anh Hai đi cùng run run tay, nhón đũa kẹp cổ nhẹ nhàng một “bé” mắt nai, thổi phù phù, nhai nhẩn nha. “Chà! Món này đưa cay rượu chát (vang) thiệt xứng lắm mà ngộ nữa!”, rồi anh cười khà khà bình phẩm.
Quả thật, chất đạm thực vật và ít hơi… men của tương đậu nành, đã nâng đỡ cho đĩa cá non nớt rất nhiều. Cụ thể, nó giúp khử tanh triệt để nơi thịt da dòng cá vẩy trắng (linh, duồn, mè vinh…) cũng là sản vật mùa lũ; để miếng ngon dậy cao sóng thèm! Gắp thêm mấy cọng bông súng, đọt rau năn, rắc lên 5 - 7 bông điên điển vàng tươi vào chén bún, người có tâm hồn nghệ sĩ không khỏi ngẩn ngơ.
Đôi khi, chỉ một miếng ngon chân phương chan hòa với nụ cười ấm áp của tri âm hoặc người thân khiến lòng ta phới phới lạ. Riêng người viết, nó nhẹ nhàng níu tâm tưởng chạy tuốt về chốn sông nước miền tây hiền hòa.
Liệu rằng, bà con nơi ấy có đang vào mùa ấm no?
Ôi, chịu không nổi, thơm ngạt ngào! |
Rầu!
“Hồi hôm này, nước chồm lên sân nhà tui rồi tuột xuống lại. Gặp con nước kém (nước ròng sát) thiệt xui mà!”, ông Tám Hổ, ở ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang giọng rầu rầu cho biết. Theo ông, lũ về trễ hơn năm rồi cả tháng. “Và sức lũ chắc cỡ năm rồi trở lại chứ không lớn nữa! Nước không có, tui cũng nghe mệt trong mình lắm chứ phải chơi sao!”, ông Hổ than thở.
Mặc dù, lượng nước lũ chưa đủ đầy để “nhảy” lên đồng, nhưng người dân vẫn có thể đón bắt cá linh non bằng cách đặt đú hoặc chặn lưới cước trên bãi bồi ven sông. Chị Liên, ở An Giang, chuyên đón mua đặc sản miền tây bán về TP HCM nắm tình hình rất sát. “Khoảng 1 tuần trước, giá cá linh cỡ cọng nhang - que tăm tới 200.000 đồng/kg. Nay sụt xuống còn 150.000 đồng/kg, lớn cỡ đầu đũa. Tụi nó lớn nhanh cấp kỳ!”, giọng chị Liên hớn hở.
Hàng khan nên gần như cung không đủ cầu, phía Đồng Tháp cũng vậy. “Bà bán cá linh “gin” (không lộn cá khác) mối ruột của tui ở chợ Sa Đéc cũng trồi sụt hàng từ 2 - 7kg ngày, ngang giá với bên chợ Long Xuyên. Tui hốt hết!”, ông Phan Hữu Thành chủ quán ăn Tám Thành ở phường An Hòa, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp giọng vui như tết. Ông đoán chừng, nửa tháng sau cá sẽ lớn cỡ đầu ngón tay út, tay trỏ.
Và lung linh rau cỏ miền Tây |
Không vui sao được, chỉ với con cá quen và mấy lối chế biến đơn giản (chiên giòn, nhúng giấm, kho mắm…) mà nhóm đầu bếp quán ông múa lửa đến thở không ra hơi mỗi ngày, mùa này.
Lũ càng gầy thì giá cá linh càng ngất ngưỡng. Thời ông Nguyễn Hiến Lê “thám hiểm” Đồng Tháp Mười, năm 1954, giá 2 - 3 giạ cá linh (khoảng 40 - 60kg) chỉ tám cắc, ngang giá với 1 hộp lớn cá mòi ở Sài Gòn (quyển Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười). Nhiều đến nỗi, làm mắm không xuể, người ta lấy cá ủ thành phân mang bón cho cây thuốc lá Cao Lãnh…
Quay về với bữa tiệc rôm rả món mê mùa lũ, tại trung tâm TP HCM. Chợt, anh bạn phối chế nên món mới này, trầm tư, nói nhỏ nhẹ lại khiến không ít người nghe nổi da gà: “Có khi, con người cũng nên…sám hối trước cá. Phải “ăn ở” làm sao, để lớp cháu con mình mai sau còn biết miếng ngon mùa lũ tròn méo ra sao!”